Tản mạn về nguồn gốc Thêu tay trên thế giới

Hình ảnh phụ nữ miệt mài bên khung thêu đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Một công việc “không tên” thể hiện triết lý sống và tính cách con người, với tình yêu mến cái đẹp, sự chăm chút cho tổ ấm, gia đình, người thân.

Hoạt động khâu vá xuất hiện cùng thời điểm con người biết mặc quần áo, gần hơn nữa là thời Ai Cập cổ đại, khi con người sử dụng mũi khâu nghiêng và nhỏ để khâu các căn lều. Vào thế kỷ 13 ở châu Âu, nghề thêu trên các tấm vải thô lanh - một loại vải tương tự như vải lưới, đã bắt đầu manh nha. Thêu trang trí thảm cũng được hình thành. Đến thế kỷ 16, xuất hiện việc dùng xương cá hay các loại gai để thêu trên các nền vải căng thành những hình thù như mong muốn. Mũi kim bằng kim loại xuất hiện ở thế kỷ 17 tạo điều kiện cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật thực sự, nhất là các tấm trải bọc đồ nội thất, yêu cầu một loại vật liệu bền hơn để thêu thùa.

Kiệt tác thảm thêu Bayeux

Hình ảnh những người phụ nữ phương Tây mệt mài bên khung thêu đã trở thành một biểu tượng văn hóa sâu rộng. Kể cả nữ hoàng Elizabeth I, ở địa vị của mình, vẫn không bỏ qua biểu hiện trong thiên chức nội trợ của người phụ nữ. Trong suốt triều đại hoàng gia, thêu thùa trở thành một thú vui lúc rảnh rỗi, dần dần trở thành công việc ưa thích của phụ nữ nhiều tầng lớp trong xã hội.

Tranh François-Hubert Drouais

Từ “Thêu” có nguồn gốc từ từ “Edge” của người Anglo-Saxon, xuất phát từ kỹ thuật khâu đường viền trên áo lễ nhà thờ thời Trung cổ của các nữ tu. Theo thời gian, kỹ thuật này mở rộng biên độ thành hình thức trang trí trên bất kỳ loại vải dệt nào. Các sản phẩm thêu tay lâu đời nhất được biết đến là từ 3000 năm trước công nguyên. Những quốc gia thể hiện được sự sắc sảo trong kỹ thuật thêu thùa lâu đời là Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, các nền văn minh lớn như Hy Lạp, La Mã rồi đến các nước ở Địa Trung Hải và Trung Đông thông qua các con đường giao thương xuyên lục địa. 

 Trang phục truyền thống Châu Âu cổ đại

Mẫu thiết kế thêu tay đầu tiên là một sản phẩm của một phụ nữ Anh, bà Jane Bostocke, được phát hiện là có từ năm 1598 với các hình hoa, động vật, các chữ cái. Sự xuất hiện của thuốc nhuộm tự nhiên giá rẻ ở châu Âu vào thế kỷ 17 lại tạo nên trào lưu thêu chỉ đỏ trên vải trắng. Phụ nữ cũng bắt đầu tự hình dung và vẽ các hình thêu.

Thời kỳ hoàng kim của nghề thêu thùa ở phương Tây xuất hiện cùng lúc với thời kỳ vàng son của âm nhạc: thế kỷ 17 và 18. Đến năm 1850, sự ra đời của máy thêu đã đe dọa đến kỹ thuật thêu tay truyền thống, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn ở nhiều nơi trên thế giới. Từ một thú tiêu khiển giải trí phổ biến, thêu tay tưởng đã mai một, nhất là trong thời gian Thế chiến I rồi Thế chiến II xảy ra. Nhưng rồi nghề thêu tay lại hồi sinh vào những năm 1960 và duy trì đến ngày nay. 

Có thời điểm, các họa tiết thẩm mỹ của các hàng thêu tay dùng trong gia đình là một biểu hiện của sự giàu có, sung túc. Đặc biệt, ở các gia đình nông dân, người mẹ có trách nhiệm truyền dạy những đường kim mũi chỉ từ đơn giản đến kỳ khu cho con gái. Ở Trung Quốc chuộng chỉ thêu màu xanh trên vải thô bông trắng. Người Hy Lạp sáng tạo ra các họa tiết thêu phức tạp, mẫu thêu Ấn Độ thường kết hợp với các hạt, đồ trang trí bằng kim loại, người Hmong ở Thái Lan lại thích thêu các chủ đề có màu sắc rực rỡ. 

Thi sĩ người Nga, Pushkin từng thể hiện sự ngưỡng mộ với các phụ nữ thêu tay giỏi giang và miệt mài trong nhiều tác phẩm của ông. Nhiều ngôi sao nổi tiếng trên thế giới không giấu giếm niềm say mê, ngưỡng mộ với nghệ thuật thêu thùa. Công chúa Grace của Monaco, nữ diễn viên Mary Martin và Loretta Swit, và thậm chí các cầu thủ bóng đá nổi tiếng “Rosey” Grier đều là những fan cuồng nhiệt của các tác phẩm tranh thêu tay.

Thêu tay, với lịch sử lâu đời cũng như giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị về mặt nhân văn của nó, còn là một khoa học, khoa học của đường kim mũi chỉ. Công việc này cũng có tính nghệ thuật và giá trị văn hóa không kém âm nhạc, điêu khắc, hội họa, văn học và được các loại hình văn hóa nghệ thuật này phản ánh, ngợi ca. Một công việc tưởng vô danh nhưng thể hiện triết lý sống và tính cách con người, với tình yêu mến cái đẹp, sự chăm chút cho tổ ấm, gia đình, người thân. Với những ý nghĩa đó, không thể nhìn vào thực tế của thêu tay hiện nay để đánh giá tương lai của công việc này, cũng như không ai ngờ trước được những gì phụ nữ, những “nhân công” chính của nghề thêu tay sẽ hành động.

Ninh Khương tổng hợp

← Bài trước Bài sau →
article